Lạp sườn gác bếp hay còn gọi là lạp sườn hun khói vốn là món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc ít người ở vùng trung du miền núi phía bắc.
lạp sườn được người dân ở vùng cao hay làm vào mỗi dịp cận tết vừa để làm thức ăn cho mùa đông giá rét đồng thời cũng giúp bảo quản thực phẩm được lâu hơn. Lạp sườn được làm từ ruột non và thịt lợn cùng với nhiều loại gia vị được đưa vào quá trình tẩm ướp rất cầu kì, mỗi vùng sẽ có một cách tẩm ướp gia vị khác nhau tạo nên những sản phẩm có vị riêng biệt.
Khi mổ lợn, người ta lấy lòng non của lợn rửa sạch với rượu cho hết mùi rồi chọn phần thịt ngon nhất thái nhỏ đem ướp gia vị rồi nhồi vào phần lòng non đã rửa sạch. Gia vị thì tùy từng nơi sẽ có những gia vị khác nhau nhưng thông thường nó sẽ có những thứ như rượu nếp, tiêu, nước gừng , hạt điều….
Lạp sườn được nhồi phải thật căngcó độ bóng nhưng không được làm rách ruột sau đó được đem đi phơi nắng. Khi phơi được 2 – 3 nắng, người ta buộc lạp sườn lại từng đoạn rồi treo lên gác bếp chung với thịt trâu, bò, lợn để làm thịt và lạp sườn hun khói.
Lạp sườn treo trên gác bếp sẽ được hun dưới than hồng lửa đỏ, phần lạp sườn sẽ chuyển dần sang màu cánh gián. Những dây lạp xưởng hun khói cứ như vậy mà được treo trên bếp để dùng cho cả năm.
Lạp sườn gác bếp có hương vị rất riêng khi chế biến chỉ cần đảo qua dầu cho dậy mùi là có thể ăn được. Mùi vị của lạp sườn gác bếp cũng rất khác mùi của các loại lạp xưởng khác, không chỉ mùi thơm ngậy của thịt mà còn có mùi khói bếp rất đặc trưng của món đặc sản này.
Vào những ngày đông hay cận tết có dịp ghé thăm những hộ gia đình đồng bào dân tộc ở các tỉnh phía bắc bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì ở đâu cũng bắt gặp những dây lạp sườn treo dưới gầm nhà sàn hay treo trong gác bếp, lạp sườn nơi đây không chỉ còn là món ăn mà nó còn là một nét đẹp văn hóa của đồng bào vùng cao mỗi dịp xuân về.