Cơm lam là món ăn thường được đồng bào dân tộc làm, hoặc mang theo trong những chuyến đi rừng dài ngày. Với nhiều sáng tạo như xôi ngũ sắc, còn có cơm lam ngũ sắc cũng rất cầu kỳ và hấp dẫn.
Sau khi nghỉ hưu và rời xa bục giảng, tình yêu ẩm thực kết hợp tài nấu nướng khéo léo, tài tình cùng niềm đam mê chế biến những món ăn truyền thống của vùng đất Điện Biên chính là những yếu tố để bà Hoàng Thị Minh Tính, ở thành phố Điện Biên Phủ lựa chọn công việc chế biến các món ăn dân tộc.
Một trong những sáng tạo và biến tấu mới mẻ, phù hợp phong vị ẩm thực hiện nay đó chính là cơm lam ngũ sắc.
Trước đây, cơm lam được đồng bào dân tộc làm khi lên nương trong những chuyến đi làm dài ngày. Cơm lam là cách gọi của đồng bào với cách nấu dùng ống tre. Khi lên nương chỉ mang theo gạo, dùng ống tre có sẵn ở rừng, nước trong khe suối, rửa sạch lòng ống và bỏ gạo vào ống, dùng lá rừng nút miệng ống lại, đốt củi cháy để ống lam lên cho đến khi cơm trong ống sôi, chín là được.
Hiện nay, cơm lam được sử dụng rộng rãi hơn từ thành thị (Hà Nội, Sài Gòn,…) đến các khu chợ, vùng cao, các nhà hàng, khách sạn do được lòng thực khách. Nên khi đến Điện Biên du lịch bạn có thể dễ dàng tìm thấy món ăn này.
Cơm lam làm thơm, dẻo ngon thì cần chọn gạo nếp thơm (nếp nương là tốt nhất). Giống lúa nếp nương một năm chỉ trồng được một vụ bắt đầu từ tháng 2, tháng 3 đến tận tháng 10 Âm lịch mới thu hoạch, khi nấu cơm nếp nương có thể cảm nhận đươc mùi thơm rất lạ.
Dùng gạo nếp được làm sạch, kết hợp các loại lá, hoa tạo màu tự nhiên của người dân tộc (được trồng, hoặc trong tự nhiên) ngâm tạo màu cho gạo trắng, gạo sẽ có thêm các màu như: cam, tím, xanh, vàng giúp cho cơm lam có màu sắc nhìn rất đẹp mắt.
Chọn ống cây để nấu, ở Điện Biên thì thường dùng tre gai bánh tẻ, không mỏng, không dày (ở nơi khác dùng ống nứa, ống giang, ống tre bình thường). Điều hay khi dùng ống tre gai là có lớp lụa mỏng bọc cơm khi bóc ăn rất ngon. Chọn ống tre nấu đúng bánh tẻ (độ tuổi thanh niên) mới có nước ngọt đọng trong thành ống, khi nấu mới tạo được mùi thơm cho cơm.
Sau khi chọn được cây, chặt ra làm nhiều đoạn theo đốt gióng tre, mỗi đoạn để lại một đốt làm đáy. Sau đó bỏ gạo vào ống thì dùng lá chuối tươi nút chặt và đốt. Lần lượt đốt phía miệng ống cho cơm chín trước rồi mới đốt thân và đáy ống, như thế cơm trong ống mới chặt, ăn sẽ ngon hơn.
Đặc biệt, để cơm được chín đều thì trong lúc đốt cần lưu ý giữ lửa cháy vừa và quay ống cơm nhiều lần, đến hơi bốc ra từ miệng ống có mùi thơm tức là cơm đã chín.
Khi cơm chín, chờ ống nguội, sau đó dùng dao chẻ hết phần cháy bên ngoài, chỉ để lại một lớp tre mỏng sạch màu trắng, khi ăn sẽ bóc lớp tre mỏng đó và cơm sẽ có một lớp màng mỏng trắng, cầm không dính tay.
Cơm lam ngũ sắc có thể để được 2-3 ngày bằng cách dự trữ trong ngăn mát tủ lạnh và khi đem ra sử dụng thì làm nóng bằng lò vi sóng, cơm vẫn đảm bảo độ dẻo, thơm.
Ăn cơm dù không kèm muối vừng hay các món ăn khác thì cũng vẫn rất ngon và dễ ăn bởi cơm có vị ngọt, dẻo, thơm của gạo nếp nương hòa quyện mùi thơm từ nước tự nhiên của ống tre. Nếu được ăn kèm thịt băm nấu cũng bằng ống tre, thịt nướng cùng chẳm chéo (chắm chéo là gia vị cổ truyền của dân tộc Thái vùng Điện Biên) thì còn ngon hơn nhiều.
Từ hạt gạo nếp nương, những ống tre và các loại hoa, lá màu, cùng sự khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ đã tạo nên một món ăn ngon miệng, đẹp mắt với mỗi màu lại có ý nghĩa riêng: Màu cam – đất đai trù phú, màu vàng – ước muốn no ấm phồn thịnh, màu đỏ – khát vọng, màu xanh – núi rừng, màu tím – thủy chung, màu trắng – tình yêu tinh khiết.
Cứ ở miền núi là có cơm lam từ Hòa Bình, Sapa…nhưng khi bạn đến Điện Biên hãy thử món cơm ống tre này xem có gì khác biệt không nhé!