Phú Thọ, vùng đất của ngàn núi hùng vĩ và văn hóa dân tộc đa dạng, nổi tiếng với đền Hùng, nơi được coi là vùng đất tổ. Nơi đây có nhiều món ăn ngon để chiêu đãi khách đến thăm quan, trong đó, món gỏi nộm của củ nâu là món ăn đặc biệt bạn có thể thử.
Củ nâu là thực vật dây leo, ở gốc có nhiều gai còn phần trên nhẵn. Củ phát triển ở trên mặt đất, thịt bên trong có màu đỏ, vỏ ngoài màu nâu và sần sùi. Củ nâu khá giống với củ khoai lang nhưng hình dạng tròn hơn. Củ nâu có hai loại là nâu vàng và nâu đỏ, nhưng làm món ăn thì người dân ở đây chọn loại nâu có thân và nhựa màu đỏ thẫm, vì nâu đỏ món ăn sẽ ngon hơn, màu sắc sẽ hấp dẫn hơn.
Củ nâu trước kia thường được dùng để nhuộm vải, các cụ thời xưa thường có áo nâu chính được nhộm từ loại củ này, chính vì vậy nhiều người nghĩ rằng củ này không ăn được. Thế nhưng, người Mường ở một huyện miền núi Thanh Sơn thuộc tỉnh Phú Thọ lại đem củ nâu chế biến thành món đặc sản thịt nộm nâu ngon, lạ, riêng biệt.
Nếu món gỏi cá của người miền xuôi sẽ ăn kèm với nhiều loại rau, lá, củ, quả thì gỏi cá người Mường chỉ trộn với củ nâu. Củ nâu có tác dụng khử mùi tanh nên nó khiến hương vị gỏi khá đơn điệu, nhưng bù lại giữ được vị ngọt nguyên thủy của cá tươi. Khi trộn với củ nâu sẽ tạo ra gỏi cá với màu sắc rất đẹp mắt và cuốn hút.
Ngoài gỏi cá, củ nâu còn dùng với hầu hết các loại thịt, và người Mường thường dùng củ nâu để tạo ra nhiều món ăn. Món thịt nộm nâu được xem như món ăn “lạ” và đặc trưng của đồng bào Mường nơi đây.
Để chế biến món thịt nộm nâu, trước tiên phải chọn thịt lợn loại lợn rừng nuôi thả rông. Để làm món nộm nâu thích hợp nhất là thịt nạc mông kèm theo một chút thịt ba chỉ, và gia vị bao gồm muối, hạt dổi, tỏi, lá chanh, lá mơ, lá nhội, mẻ.
Công đoạn tiếp theo là pha nước chấm, dùng mẻ làm nước chấm, mẻ xào chín vàng và làm nhuyễn hơi sền sệt là được.
Món thịt nộm nâu thường được bày trong mâm lót lá chuối theo hình tròn cùng các loại thức ăn chế biến từ thịt lợn như: lòng, tim, gan lợn đã luộc chín; thịt nướng và chả lá bưởi; thịt luộc, xen lẫn các loại rau.
Ăn món thịt nộm nâu, người Mường cuốn thịt với lá sung, lá mơ, lá nhội hoặc tuỳ theo sở thích có thể ăn kèm với nhiều loại lá khác nhau rồi chấm vào bát mẻ còn hơi nóng, những ai ưa vị cay thì thái thêm vài lát ớt tươi cho vào bát mẻ để chấm.
Món ăn nổi bật vị ngọt từ thịt, vị chát nhẹ của củ nâu quyện lẫn vị chua chua của mẻ, tạo nên hương vị bùi, béo ngậy, nếu bạn đến nơi đây hãy một lần thử món ăn này nhé!