Nếu ngày trước chả giò là món cao sang dành cho vua chúa hay những gia đình quyền quý thì ngày nay bên cạnh bánh chưng, canh mọc, thịt đông… khoanh giò là món không thể thiếu để dâng hương ngày tết. Thứ giò chả gói ghém cả phong vị Việt, cả hồn xuân chỉ thực sự đáng kể khi nhắc tới giò chả Ước Lễ.
Giò chả Ước Lễ để người ta phải nhớ mãi “miếng ngon” nổi tiếng ấy. Thứ giò khi cắt từng khoanh óng như mặt gương, mang sắc hồng phớt dịu nhẹ, có nhiều lỗ hút. Nên khi ăn chỉ thấy vị ngọt nguyên sơ, mềm mà không xốp, giòn thơm chứ không bã.
Còn chả quế cũng đẹp lòng bất cứ ai ngay từ cái nhìn đầu tiên. Miếng chả rán căng phẳng, vàng rộm, sóng sánh màu mật ong, thơm nồng mùi quế. Khi ăn ngập chân răng vị béo, mùi thơm quý phái đến ám ảnh của một món rán được coi là lạc thú ẩm thực.
Và với người Việt, mâm cỗ tết biểu hiện lòng thành sâu sắc nhất của con cháu trong một năm với Tổ tiên. Vì thế, món ăn nào ngon nhất, giàu ý nghĩa nhất sẽ được lựa chọn để bày biện trong mâm cỗ đón năm mới. Giò chả Ước Lễ được người Việt trang trọng đặt lên mâm, vượt qua biết bao món đặc sản để có mặt trong mâm cỗ ấy tất cũng phải có lí riêng của nó.
Nói đến giò chả Ước Lễ người ta nghĩ đến sự kì công ngay từ khâu chọn thịt đến pha thịt. Thứ thịt làm giò chả kén thịt mông, thịt thăn tươi ngon không dính mỡ của lợn ỉ tầm 50 – 60kg. Thịt sau khi thái mỏng được cho vào cối đá giã thật đều tay, đến khi nào thịt thành một khối dẻo quoánh, nhuyễn mịn thì mới chộn cùng nước mắm, mì chính loại ngon. Người giã giò luôn cần đều tay, cần sức khỏe và trách nhiệm cao với sản phẩm làm ra của mình. Muốn giò giữ nguyên vị ngọt, mềm mà giòn thơm nguyên chất phải gói giò bằng lá chuối hột, chuối tây. Ngay cả cách gói giò cũng thể hiện được sự tinh tế của người làng Ước lễ. Gói giò không được dùng ni lông như một số loại giò trên thị trường, mà phải dùng lá chuối hột để gói thì mới giữ được vị tươi ngon nguyên sơ của nó. Lá gói phải bó sát lấy khoanh giò để giữ lấy hình hài của giò, lá non lần trong, lá bánh tẻ lần giữa, lá già lần ngoài như một sự sắp đặt về truyền thống dân tộc, sự hi sinh, đùm bọc của ông bà cha mẹ với con cháu. Chính bởi sự hi sinh, đùm bọc, thương yêu ấy đã nuôi dưỡng thế hệ sau biết “uống nước nhớ nguồn”.
Món chả quế được hình thành cũng phải trải qua rất nhiều nhọc nhằn. Từ chuyện giã nhuyễn thịt rồi thúc thêm bột quế, đến chuyện quấn chả quế đã phết nước hoa hiên pha mật ong vào ống bương đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và tài năng của người thợ làm giò chả. Hương vị, sắc màu thấm trong chả quế cũng khác nào mùi vị, hương sắc của cuộc đời mà mỗi con người trải qua, chiêm nghiệm lại mỗi khi ngoái nhìn quá khứ: có cả bùi béo, ngọt ngào, thơm thảo và cay nồng.
Giò lụa chả quế bao giờ cũng “sánh đôi” trên mâm cỗ mừng xuân. Sự xếp đặt đĩa giò, đĩa chả gần nhau cũng như lời nhắc nhở về tình nghĩa vợ chồng thủy chung, keo sơn.
Giò chả còn mang theo cả hồn quê Việt. Đó là trong từng thứ nguyên liệu làm nên hai món ăn này: từ thịt lợn nhà, mật ong đồi, quế rừng, và thân thuộc ngàn đời là tàu chuối của quê hương. Vì thế chả giò cũng tương tự như bánh chưng xanh, dưa hành muối trở thành niềm tự hào của người làm ra, là nỗi nhớ thương yêu quay quắt của người đi xa.
Vậy là ta đã hiểu chính sự tinh túy làm nên “vị thế” của món giò chả Ước Lễ trong mâm cỗ ngày xuân.